Tôi chối từ Thiên Chúa,
Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần tôi chứng minh có Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng không cần kẻ khác chứng minh cho tôi biết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì không cần chứng minh.
Như mặt trời không cần ai chứng minh về ánh sáng cho người mù.
Như người dưới căn hầm, mặt trời không hiện diện với đôi mắt ấy mà thôi, mặt trời vẫn hiện diện với vũ trụ.
Từ đó,
Lạy Thượng Ðế, xin cho con biết kêu lên: Con biết con cần Ngài.
Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần tôi chứng minh có Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng không cần kẻ khác chứng minh cho tôi biết về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thì không cần chứng minh.
Như mặt trời không cần ai chứng minh về ánh sáng cho người mù.
Như người dưới căn hầm, mặt trời không hiện diện với đôi mắt ấy mà thôi, mặt trời vẫn hiện diện với vũ trụ.
Từ đó,
Lạy Thượng Ðế, xin cho con biết kêu lên: Con biết con cần Ngài.
+++
Trong các kinh Tiền Tụng của thánh lễ, lời Tiền Tụng Chung IV là kinh rất ít khi giáo dân nghe linh mục đọc. Hầu hết các thánh lễ chỉ dùng Kinh Tạ Ơn II. Lời Tiền Tụng Chung IV đọc như sau:
Lạy Cha chí thánh
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Thật ra,
Cha không cần chúng con ca tụng,
nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả,
vì những lời ca tụng của chúng con
chẳng thêm gì cho Cha
nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời,
nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Vì thế hiệp với các thiên thần và các thánh
chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển,
và đồng thanh tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Chí Thánh.
Trong các kinh Tiền Tụng của thánh lễ, lời Tiền Tụng Chung IV là kinh rất ít khi giáo dân nghe linh mục đọc. Hầu hết các thánh lễ chỉ dùng Kinh Tạ Ơn II. Lời Tiền Tụng Chung IV đọc như sau:
Lạy Cha chí thánh
là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo
và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Thật ra,
Cha không cần chúng con ca tụng,
nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả,
vì những lời ca tụng của chúng con
chẳng thêm gì cho Cha
nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời,
nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Vì thế hiệp với các thiên thần và các thánh
chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển,
và đồng thanh tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Chí Thánh.
Qua lời Kinh Tiền Tụng này, Giáo Hội chỉ rõ cho ta biết bản chất Thiên Chúa như thế nào.
Một thần linh là Thượng Ðế thì không cần tiếng ca tụng của người phàm. Vì là Thượng Ðế, nên lời ca tụng của phàm nhân chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài.
Trong ngôn ngữ con người, chúng ta hay nói, hãy ca tụng Chúa để Thiên Chúa được vinh danh, là lời nói có thể làm hiểu sai lạc về bản chất Thiên Chúa. Chính Sách Lễ Roma của Giáo Hội đã xác định như trên.
Vậy chúng ta chỉ còn một cách hiểu chính xác theo Sách Lễ Rôma là:
Ðược tạ ơn Chúa là hồng ân cao cả cho chính tôi.
Lời ca tụng của chúng tôi không thêm gì cho Chúa,
nhưng đem lại cho chúng tôi ơn cứu độ.
Từ lời Kinh Tiền Tụng trên, chúng ta hãy xin cho mình lời nguyện là:
- Lạy Thượng Ðế, con biết con cần Ngài.
Nhiều người nghĩ rằng mình làm “vinh danh” Chúa bằng lời ca tụng của mình, nên khi bất mãn với Giáo Hội thì ngừng ca tụng Chúa.
Có người nghĩ rằng Chúa cần mình, nên khi “bất mãn” với Chúa thì không ca tụng để Thiên Chúa bị thiệt thòi.
Có ai cứ nhắm mắt lại để mặt trời bớt ánh sáng không?
Có ai xuống hầm tối cho mặt trời thiệt thòi không?
Khi chúng ta hiểu rõ lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa, nhưng lại thêm cho chính mình.
Khi chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không cần ai ca tụng, nhưng ca tụng Chúa lại là hồng ân cho chính mình, thì chúng ta phải nghiêm chỉnh đặt vấn đề về những lời ca tụng của chúng ta.
Thái độ thứ nhất: Ao ước được ca tụng.
Lạy Chúa từ bi và nhân hậu!
Người thanh niên giàu có trong Phúc Âm đến hỏi Chúa đâu là con đường siêu thoát. Chúa cho anh ta một hồng ân là đến theo Chúa. Anh không muốn từ chối. Nhưng lòng anh quá nặng nề, sau cùng anh cúi mặt bước đi buồn rầu. Rất tội nghiệp cho anh.
Tại sao Chúa không năn nỉ anh? Hình ảnh siêu bạo ở đây là Chúa không năn nỉ. Phải chăng vì theo Chúa là một hồng ân đem lại ơn cứu độ cho chính anh.
Hôm nay, rất nhiều cha mẹ phải “năn nỉ” con cái đi lễ. Rất nhiều linh mục “năn nỉ” giáo dân đến nhà thờ. Trong các thánh lễ, có rất nhiều thứ “năn nỉ”. Năn nỉ đóng tiền. Năn nỉ làm việc tông đồ. Bởi đâu, lạy Chúa, chúng con có những não trạng như thế. Phải chăng chúng con đã không hiểu rằng những lời ca tụng kia là cần thiết cho chính chúng con.
Thái độ thứ hai: Khiêm tốn trong lời ca tụng.
Vì Chúa là thần linh không cần lời ca tụng của phàm nhân, nên con phải xin Chúa cho con được ca tụng.
Lời của phàm nhân tội lỗi, tâm trí phàm nhân u mê, sao chúng con dám ca tụng thần linh?
Bởi đó, được ca tụng Chúa là hồng ân, nên chúng con phải khiêm tốn trong mọi công việc tông đồ.
Biết đâu có linh mục hôm nay rất tự hào về những công trình của mình? Từ đó, cũng biết đâu, nhiều tín hữu thấy mình quan trọng trong lời ca tụng, và việc dâng cúng?
Tất cả chúng con đều lầm lẫn. Xin Chúa từ bi và nhân hậu thương xót chúng con!
Thái độ thứ ba: Chờ đợi được ca tụng.
Lạy Chúa từ bi và nhân hậu!
Vì lời ca tụng Chúa mang ơn cứu cho chính chúng con, nên chúng con phải khiêm tốn, ao ước và chờ đợi được ca tụng.
Nhiều lần trong Phúc Âm, Chúa gọi các môn đệ theo Chúa. Chúa truyền cho các ông làm việc này, việc kia. Ðấy là hồng ơn cao cả, chứ không phải Chúa thiếu thốn.
Cái thiếu thốn của chúng con là thiếu Chúa.
Cái nghèo của chúng con là không được Chúa sai đi.
Khi hiểu thế, chúng con phải hạnh phúc biết bao khi được Chúa kêu mời.
Lạy Chúa từ bi nhân hậu,
Xin cho con biết lắng nghe Chúa sai bảo thật tha thiết, chờ đợi như kẻ cắp rình mồi. Vì con nghèo lắm nếu Chúa không sai con đi. Nếu không được ca tụng Chúa con lấy đâu hồng ân cho hạnh phúc của con.
Bạn thân mến,
Công việc mục vụ của tôi là đi giúp tĩnh tâm. Có người hỏi tôi, Phúc Âm thì lần nào đọc cũng giống nhau. Ðọc mãi, Cha có chán không?
Lời Phúc Âm chỉ có vậy, nhưng tùy cách nghe mà lời đó khác.
Một lần kia, vì lối nói của tôi, phút đầu khai mạc làm một người bất mãn. Họ không muốn đi tĩnh tâm. Nhưng vì bị “năn nỉ” quá, sau cùng có mặt trong cuối tuần linh thao.
Một cuối tuần đến retreat house - nhà tĩnh tâm như thế, ít ra cũng hết một trăm năm mươi đô la một đầu người.
Hầu hết những người ngại đi tĩnh tâm là không có thời giờ, và tiếc tiền.
Hầu hết cha mẹ nói với con cái, linh mục nói với giáo dân là “hy sinh” dâng cho Chúa một cuối tuần tĩnh tâm để ca tụng Chúa.
Ðối với tôi, đấy không phải là hy sinh. Hy sinh là chịu thiệt về mình cho người khác phần lợi. Vì cách nói của tôi làm họ bực bội.
- Thưa Cha, nếu không hy sinh, con không đến đây chiều nay được. Còn biết bao công việc ở nhà, nếu không hy sinh, làm sao bỏ được.
Họ bực với tôi, bực luôn với những ai đã “năn nỉ” họ đi.
Tôi không ngờ buổi tối khai mạc mà bầu khí không êm ả chút nào, tôi cố gắng đưa mọi người vào giờ kinh tối, rồi đi ngủ.
Qua một ngày thinh lặng, tối hôm sau, trước giờ kinh tối:
- Thưa cha, con xin có đôi lời.
Người này cất tiếng. Rồi tiếp:
- Tôi xin lỗi anh chị em những gì tôi nói tối qua. Sau một ngày thinh lặng, tôi thấy có một cái gì đang xảy ra nơi tâm hồn tôi. Tôi chưa có bình an, chưa thấy Chúa đâu, nhưng có một chút gì đó làm tôi suy nghĩ.
Nhìn bóng đèn trên trần nhà. Tâm sự với mọi người:
- Có tôi hay không, thì chiều nay bóng đèn này vẫn sáng. Ðâu phải thiếu tôi mà bóng đèn bớt sáng đâu.
Rồi quay nhìn ra sân tối:
- Tôi cũng xin lỗi những ai tôi xúc phạm, những ai đã khuyến khích tôi đi khóa linh thao này. Nếu tôi bỏ lò sưởi ra sân đứng thì tôi lạnh, chứ đâu phải thiếu tôi, tôi làm cho lò sưởi bớt sức nóng đâu. Thiên Chúa là như vậy. Tôi đến thì tôi ấm, tôi xa Ngài, tôi lạnh, Thiên Chúa cho tôi sức ấm chứ tôi làm sao cho Ngài thêm lửa nóng được.
Bạn thân mến,
Sau cùng, người này đã có những ngày tĩnh tâm nghỉ ngơi với Chúa rất đẹp.
+++
Chớ gì chúng ta hiểu rõ và thưa với Chúa: Lạy Chúa, con biết con cần Chúa.
Riêng với bạn đang đọc dòng này, không cùng tôn giáo với tôi. Tôi cầu chúc bạn hãy nói:
- Lạy Thượng Ðế, lạy Trời Phật, con biết con cần Ngài!
Bởi, đó là con đường đi rất đẹp của một phàm nhân.
Linh mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.
(trích: Tập suy niệm “ÐƯỜNG ÐI MỘT MÌNH”)