Home » , » Nói Ngay Bây Giờ

Nói Ngay Bây Giờ

song dep
Bạn thân mến, hôm nay mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn học hỏi chủ đề sống tích cực qua lời nói, ngôn ngữ của mình. Thực vậy, lời nói tích cực góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo bầu khí tích cực trong môi trường mình đang sống và làm việc.

* * *

Tập truyện The Sower’s Seeds[1] có thuật lại một câu chuyện như sau. Một ông lão nọ thường hay lui tới một tiệm bán đồ cổ tại New Hampshire. Sau một lần viếng thăm như thường lệ, ông lão chào tạm biệt chủ quán. Cũng như bao quán hàng khác, chủ quán đáp lại bằng cái gật đầu mỉm cười thay cho lời nói. Tuy nhiên, sau khi ông lão ra khỏi quán, người vợ chủ quán nói với chồng mình rằng. “Em thích những lần ghé thăm của vị khách này, ông tỏ ra rất thân thiện và đáng yêu. Nhưng thật tiếc là em chưa bao giờ nói lên điều này cả.” Người chồng động viên, “Lần tới, em nói cũng chưa muộn.”



Mùa hè năm sau, một phụ nữ trẻ ghé vào cửa tiệm. Sau khi nhìn một vài món đồ, cô tự giới thiệu với ông bà chủ tiệm cô chính là con gái của ông lão thường hay ghé thăm tiệm; cô cũng bùi ngùi cho họ biết rằng ông lão đã qua đời. Nghe xong, bà chủ tiệm đã nói với cô về những cuộc trò chuyện rất thú vị giữa bà và ông lão. Bà cũng hối hận thú nhận rằng, dù bà rất thích nói chuyện với ông, nhưng bà đã chưa một lần nói lên điều đó với ông. Nghe tới đây, cô gái buồn rầu nói, “Thưa bà, ba tôi là người rất thích trò chuyện với người khác, đồng thời ông ấy cũng rất muốn nghe người ta nói rằng họ cũng thích làm bạn với ông.” Nghe xong lời nhận định, bà chủ tiệm lấy làm hối tiếc và quyết tâm rằng. “Từ nay trở đi, tôi sẽ tìm một điều gì tốt nơi những ai tôi gặp và nói với họ về điều đó. Vì tôi không muốn làm mất thêm một cơ hội nào nữa để nói về điều tốt của người khác.”

* * *

Câu chuyện trên xem chừng như rất tầm thường và không có gì đặc biệc để ta học hỏi, nhưng thực ra giá trị cuộc đời của mỗi chúng ta được góp nên bởi những việc nhỏ thường như thế đó. Khi đi đến một cơ quan, công ty, trường học, phòng bác sĩ… người mà ta mong gặp là người tốt, hiền lành, nói năng và hành động lịch sự dễ mến. Bạn cũng như tôi, ai lại không muốn tiếp xúc với người thân thiện, dễ mến có phải không?!

Vào tháng 3 năm 2011, trong một lần viếng thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Ed White, St. Petersburg, tiểu bang Florida, tôi học thêm một kinh nghiệm tích cực qua một bệnh nhân như sau.

Tôi mỉm cười chào bệnh nhân và nói, “Tôi thấy ông có vẻ khá hơn hôm qua.” “Vâng, đúng vậy. Tôi thấy những nhân viên ở đây đối xử với tôi tốt và chu đáo quá. Họ giúp tôi thấy vui và có giá trị. Tinh thần tôi được thay đổi (conversion) bởi vì họ giúp tôi thay đổi.” “Ông có thể kể cho tôi nghe về đời sống trước đây của ông được không?” Tôi  động viên. Ông đáp, “Trước đây tôi rất dửng dưng và không muốn tiếp xúc với người lạ, như anh đây chẳng hạn. Nhưng mấy ngày ở đây, tôi cảm nghiệm được sự thay đổi trong cái nhìn của tôi về cuộc đời. Tại sao chúng ta lại đối xử tệ (mean) với nhau? Tôi không hiểu tại sao anh em không nói với nhau điều tốt mà chỉ lo tranh giành hơn thua nhau từng lời nói? Tại sao anh là người lạ còn đến thăm và nói những lời tử tế với tôi còn những người thân thì không? Tôi không hiểu tại sao thảm họa tại Nhật Bản mấy ngày vừa qua (11-3-2011) không làm cho nhiều người tỉnh thức”?

Sau cuộc gặp mặt với bệnh nhân đó, từ kinh nghiệm vừa học được, tôi chủ động tiến đến các y tá và nói với họ rằng. “Cám ơn các cô đã làm những việc rất tuyệt vời. Nhờ sự chăm sóc chu đáo và tận tâm của các cô đã làm cho bệnh nhân ấy thay đổi cái nhìn về cuộc đời.” Tôi cũng tiến lại những người lao công và cũng nói với họ lời cám ơn và khẳng định những việc làm hằng ngày của họ mang lại những niềm vui và thay đổi rất lớn cho những bệnh nhân và nhân viên trong bệnh viện. Điều đáng mừng là sau khi tôi nói những điều đó cho các y tá và người lao công, mỗi người đều thấy vui và tinh thần họ phấn chấn hẳn lên. Không nghi ngờ gì nữa, họ sẽ phục vụ tốt hơn, quan tâm tích cực tới công việc của họ hơn, và sẽ nói những lời tích cực tương tự cho các bạn đồng nghiệp khác.

Bạn thân mến, sự tích cực nó không phải là một thứ trang sức mà ai muốn mang mặc cũng được. Ta không thể mang nó vào khi ta đi dự đại hội, dự yến tiệc, họp hành rồi khi về đến nhà thì bỏ nó qua một bên. Nhưng sự tích cực trước hết được bắt nguồn từ con tim, lối suy nghĩ tích cực. Chính não trạng khư khư đúng sai, hơn thua dễ làm lu mờ khả năng khám phá sự diệu kỳ trong cuộc đời của ta. Như thế,  sống tích cực cũng là cách ta nhìn cuộc đời như là một cuộc khám phá trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ nhìn chúng bằng ánh mắt thiển cận hẹp hòi. Nói đúng ra, cuộc đời không phải là một ván cờ hơn thua – được mất, nhưng là một ván cờ chúng ta cùng nhau thưởng thức, giải trí. Nói như võ sư Aikido Thomas Crum, cuộc đời không hề có sự thay thế giữa “bạn hoặc tôi,” nhưng là sự đồng điệu “bạn và tôi.”[2] Khi nhìn cuộc đời dưới cái nhìn “vũ trụ nhất gia” thì chiến thắng không có nghĩa một ai đó sẽ thua, được không có nghĩa là ai đó sẽ mất, vinh không có nghĩa là ai đó sẽ nhục. Lịch sử loài người đã chẳng chứng minh điều đó hay sao? Chiến tranh Việt Nam ai chiến thắng ai chiến bại? Cuộc chiến Iraq ai hơn ai thua? Hóa ra, cái thắng hay thua, cái hơn hay được chẳng qua cũng chỉ là cái lớp vỏ, tên gọi mà thôi, còn thực chất chính là con tim mình quảng đại và trưởng thành ở mức độ nào mới là quan trọng.

Mục Sống Sao Cho Đẹp hôm nay mời bạn dừng lại giây phút để nhớ đến những lần ai đó đã khích lệ bạn, đã khen tặng bạn nhất là những lúc bạn “thất bại, thua cuộc.” Nếu bạn chưa làm điều đó, bạn hãy nói lời khen tặng với người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, và con cái. Thử xem, bạn sẽ thấy khác.

Br. Huynhquảng

http://brhuynhquang.org


[1] Brian Cavanaugh, T.O.R., The Sower’s Seeds, (New York: Paulist Press, 2004) 42. 

[2] Thomas F. Crum, The Magic of Conflict, (New York: A Touchstone Book, 1988) 180.

Tác giả: Br. Huynhquảng

Bookmark and Share
 
Support : CTCO | Johny | Mas
Copyright © 2014. mới tiếp - All Rights Reserved
Thiết kể bởi CTCO
Mẫu Blogger