Home » , » Bài giảng của ĐGH Phanxicô trong thánh lễ Đức Mẹ Lên Trời

Bài giảng của ĐGH Phanxicô trong thánh lễ Đức Mẹ Lên Trời

Castel Gandolfo, ngày 15/8/2013

Anh chị em thân mến!


Trong phần cuối của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Công đồng Vatican II để lại cho chúng ta một bài suy niệm rất hay về Đức Trinh Nữ Maria. Cho phép tôi lặp lại những lời đề cập đến mầu nhiệm chúng ta cử hành hôm nay: “Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ” (số 59). Rồi tới đoạn cuối cùng, đó là: “Mẹ Đức Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội sẽ hoàn thành đời sau. Cũng thế, Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành dưới đất này cho tới ngày Chúa đến” (số 68). Dưới ánh sáng của hình ảnh rất đẹp về Đức Mẹ, chúng ta có thể nhận ra sứ điệp của các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe. Chúng ta có thể tập trung vào ba từ khóa: cuộc đấu tranh, sự phục sinh, niềm hy vọng.

Đoạn trích sách Khải trình bày viễn ảnh của cuộc đấu tranh giữa người phụ nữ và con rồng. Hình ảnh người phụ nữ, đại diện cho Giáo hội, một mặt là vinh quang và chiến thắng, nhưng mặt khác vẫn còn sinh nở. Và Giáo hội là như thế: Nếu như ở trên trời, Giáo hội đã được liên kết với vinh quang của Chúa mình một cách nào đó, thì trong lịch sử, Giáo hội vẫn liên tục trải qua những gian nan thử thách phát sinh từ cuộc xung đột giữa Thiên Chúa và ác thần, kẻ thù truyền kiếp. Và trong cuộc đấu tranh mà các môn đệ phải đương đầu – tất cả chúng ta là môn đệ Đức Giêsu phải đương đầu với cuộc đấu tranh này – Đức Maria không để chúng ta cô đơn: Mẹ Đức Kitô và Mẹ Giáo hội luôn luôn ở với chúng ta. Mẹ luôn đi với chúng ta, Mẹ luôn ở với chúng ta. Và Đức Maria chia sẻ tình trạng kép này một cách nào đó. Tất nhiên, Mẹ đã được vào hưởng vinh quang trên trời một lần và trọn vẹn. Nhưng điều này không có nghĩa là Mẹ trở nên xa xôi hoặc tách biệt khỏi chúng ta. Trái lại, Đức Maria đồng hành với chúng ta, cùng chiến đấu với chúng ta, và nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại các thế lực lượng ác thần.

Cầu nguyện với Đức Maria, đặc biệt là kinh Mân Côi – nhớ nhé: lần hạt Mân Côi. Anh chị em có lần hạt Mân Côi hằng ngày không? Nhưng tôi không dám chắc … [đám đông hô to: “Có!”] ... Thật sao? Vâng, cầu nguyện với Đức Maria, đặc biệt là kinh Mân Côi mang chiều kích “đấu tranh”, có nghĩa là trong cuộc đấu tranh, lời cầu nguyện có sức nâng đỡ để chống lại ác thần và đồng bọn. Thật vậy, kinh Mân Côi nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến.

Bài đọc thứ hai nói với chúng ta về sự phục sinh. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô Tông đồ nhấn mạnh rằng trở thành Kitô hữu có nghĩa là tin rằng Đức Kitô thực sự đã sống lại từ cõi chết. Toàn bộ niềm tin của chúng ta dựa trên chân lý căn bản này, đó không phải là một ý tưởng nhưng một biến cố. Ngay cả mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời cũng được bao hàm trọn vẹn trong sự phục sinh của Đức Kitô. Nhân tính của Mẹ được “nâng lên” nhờ Con Mẹ trong cuộc vượt qua từ cõi chết đến sự sống. Một lần cho tất cả, Đức Giêsu bước vào sự sống đời đời với tất cả nhân tính Ngài nhận được từ Đức Maria; và Đức Maria, Mẹ Ngài là người đã trung thành theo Ngài suốt đời, theo Ngài hết tâm hồn, và cùng Ngài bước vào sự sống đời đời, mà chúng ta gọi là cõi trời, thiên đàng, nhà Cha.

Đức Maria cũng đã trải qua những đau khổ của thập giá: đó là cuộc thương khó trong lòng, cuộc thương khó trong linh hồn. Đức Mẹ chịu đau khổ trong tâm hồn trong khi Con Mẹ chịu nạn trên Thánh giá. Mẹ sống cuộc thương khó của Con Mẹ trong sâu thẳm của tâm hồn. Mẹ đã hoàn toàn kết hiệp với Ngài trong cái chết, và vì vậy Mẹ được lãnh nhận hồng ân phục sinh. Đức Kitô là hoa quả đầu tiên từ trong kẻ chết và Đức Maria là hoa quả đầu mùa của ơn cứu chuộc, là người đầu tiên trong “những người thuộc về Đức Kitô”. Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng Đức Mẹ là đại diện của chúng ta, là chị em của chúng ta, là chị cả của chúng ta; Đức Mẹ là người đầu tiên được cứu chuộc, đã về quê trời.

Bài Tin mừng gợi ý cho chúng ta từ thứ ba: niềm hy vọng. Hy vọng là nhân đức của những người, trong khi đương đầu với cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giữa thiện và ác, vẫn tin vào sự phục sinh của Đức Kitô và sự chiến thắng của tình yêu. Chúng ta vừa nghe bài ca Magnificat của Đức Maria: đó là bài ca của niềm hy vọng, đó là bài ca của Dân Thiên Chúa qua dòng lịch sử. Đó là bài ca của nhiều vị thánh, của những người nam nữ, một số nổi tiếng, và rất nhiều người khác chúng ta không biết nhưng được Thiên Chúa biết đến: đó là những người mẹ, người cha, giáo lý viên, nhà truyền giáo, linh mục, nữ tu, người trẻ, ngay cả trẻ em hay ông bà già: những con người đã phải trải qua cuộc chiến trong đời mà trong lòng mang theo niềm hy vọng của những kẻ thấp hèn và khiêm tốn.

Đức Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!” Ngày nay, Giáo hội cũng hát lời này khắp cùng trái đất. Bài hát này đặc biệt mạnh mẽ ở những nơi Thân Thể Đức Kitô đang chịu khổ nạn. Đối với Kitô hữu chúng ta, bất cứ nơi nào có Thánh giá nơi đó có niềm hy vọng. Nếu không có hy vọng, chúng ta chẳng phải là Kitô hữu. Đó là lý do tại sao tôi nói: anh chị em đừng để mất niềm hy vọng. Ước gì chúng ta không mất niềm hy vọng, bởi vì đó là một hồng ân, một ân huệ của Thiên Chúa, đưa chúng ta về phía trước với đôi mắt hướng lên trời. Và Mẹ Maria luôn luôn ở đó, bên cạnh các cộng đoàn này, họ là anh chị em của chúng ta, Đức Mẹ đồng hành với họ, chịu đau khổ với họ, và cùng với họ hát kinh Magnificat của niềm hy vọng.

Anh chị em thân mến, với tất cả tâm hồn, chúng ta hãy hòa mình vào bài ca của sự kiên nhẫn và chiến thắng, của đấu tranh và niềm vui, bài ca kết hợp Giáo hội khải hoàn với Giáo hội lữ hành, đất với trời, bài ca nối kết đời sống chúng ta với vĩnh cửu mà chúng ta đang hướng tới. Amen.

Lm Phạm Quang Long chuyển ngữ

http://hdgmvietnam.org/
Bookmark and Share
 
Support : CTCO | Johny | Mas
Copyright © 2014. mới tiếp - All Rights Reserved
Thiết kể bởi CTCO
Mẫu Blogger