Home » , » Sinh viên, nói dối và 'tình yêu một nửa'

Sinh viên, nói dối và 'tình yêu một nửa'

Ngày hôm qua, tôi tháp tùng đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tham dự lễ khai giảng năm học mới của sinh viên Công giáo tại thành phố Vinh. Đó là một ngày Chúa nhật đẹp trời, khác hẳn với mấy ngày mưa tầm tã trước đó, và ngày mai được dự báo là có cơn bão số 10 nhắm vào miền Trung.

Số lượng sinh viên tham dự khoảng 800 em. Các bạn trẻ thật vui tươi, năng động và xinh đẹp, hơn hẳn thời sinh viên của chúng tôi 30 năm về trước.

Trong bài giảng của đức giám mục giáo phận Vinh, có hai điều đáng nhớ.

Thứ nhất, tỉ lệ nói dối trong sinh viên khá cao. Một cuộc điều tra xã hội học mới đây cho thấy tỉ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%. Đó là kết quả nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà vị giám mục này đã từng dạy học.

Đức cha Phaolô nói thêm: "Tỉ lệ nói dối hậu học đường có thể là 90%. Thậm chí, nhiều lúc người ta còn chủ trương rằng cứ nói dối, cứ nói dối,… cuối cùng vẫn còn lại cái gì."

Thứ hai, sinh viên với cuộc đời một nửa: ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm và tình yêu một nửa.

“Thời sinh viên cái thời một nửa
Sách nửa trang, sự nghiệp nửa đường
Đêm ngủ nửa giấc, mơ còn bỏ ngỏ
Nhìn lại mình nửa lạ nửa quen
Nửa tách càfé còn chìm trong bản nhạc
Nửa học kỳ đã thấp thỏm mùa thi
Còn bao nhiêu nửa trọn tràng cười
Yêu một mình là một nửa tình yêu
Ai cho tôi tình yêu một nửa.”

Tôi thấy các bạn trẻ cười phấn chấn sau khi nghe bài thơ này. Riêng tôi hơi ngỡ ngàng khi đức cha nói về “tình yêu một nửa”. Phải chăng vì tình yêu thời sinh viên chưa trọn vẹn? ‘Tình yêu một nửa’, theo tôi, cũng là dối trá.

Thực tế, sự dối trá bên ngoài học đường còn nhiều hơn. Có một bạn trẻ, xin giấu tên, xác nhận với tôi rằng: “Sau đại học thì gian dối trùm luôn. Con đi thi sau đại học mà không thể tưởng tượng được. Tài liệu, phao thi đầy ngăn bàn. Chuyện đó rơi vào những cán bộ hoặc giáo viên đã có thâm niên đứng lớp từ 6 năm trở lên”.

Tôi nhớ đến câu nói của một nhân vật trong một tác phẩm của văn hào Shakespeare: “Hãy dùng cái mồi giả dối để câu lấy con cá chân lý”. Nhiều người áp dụng câu nói này; nhưng cuối cùng họ không bắt được ‘con cá chân lý’.

Hệ lụy của việc nói dối thật ghê gớm. Bây giờ không ai tin ai. Vợ chồng không tin nhau. Bạn bè không tin nhau. Người người không tin nhau. Một cuộc đời không còn niềm tin là một cuộc đời bất hạnh.

Quả thật, có một cuộc khủng hoảng về sự tín nhiệm mà người Việt chúng ta đang phải đương đầu. Muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này có thể phải mất thời gian bằng một đời người.

Xin các bạn sinh viên đừng buồn với tiêu đề của bài này, khi thấy tôi liên hệ giữa sinh viên và nói dối. Lý do là vì câu chuyện này gặp được trong bối cảnh của buổi lễ khai giảng năm học mới.

Và tôi nghĩ đã đến lúc các bạn sinh viên cần giải quyết cuộc khủng hoảng này, để đến khi cuối đời, các bạn sẽ hưởng được hoa trái là sự tín nhiệm lẫn nhau.

Chúng ta không thể sống một nửa đời rồi thôi, nhưng mỗi người được ban tặng cả một cuộc đời. "Người ta có thể ăn nửa bữa, có thể ngủ nửa đêm; nhưng không thể yêu bằng nửa con tim và không thể đi nửa đường chân lý".
Bookmark and Share
 
Support : CTCO | Johny | Mas
Copyright © 2014. mới tiếp - All Rights Reserved
Thiết kể bởi CTCO
Mẫu Blogger