Thánh giá trên ngực Đức giáo hoàng Phanxicô được thiết kế đơn giản và rõ nét. Đó là hình ảnh một mục tử vác con chiên trên vai, phía sau lưng là đàn chiên và trên đầu có một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.
1. “Kiểu Đức Phanxicô”
Khi mới được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô mang cây Thánh giá bằng sắt mạ bạc. Và một nguồn tin từ Vatican cho biết đó là thánh giá ngài vẫn mang từ khi làm giám mục ở Buenos Aires.
Không biết mẫu Thánh giá này xuất hiện đầu tiên khi nào và tác giả là ai. Nhưng người ta thấy mẫu này có bán tại nhà sách nổi tiếng Ancora ở Rôma từ năm 2004.
Kể từ ngày kết thúc Mật tuyển viện, 13/3/2013, khi Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành Giám mục Rôma, thì tại Vatican xuất hiện một mẫu Thánh giá mới lạ mà người ta gọi là “kiểu Đức Phanxicô”; và nó đã trở thành một biểu tượng cho phong cách đơn giản của ngài.
Và cũng kể từ đó, kiểu Thánh giá này được ưa chuộng. Đài tuyền hình Rome Reports, trong bản tin ngày 30/6/2013, cho biết mức tiêu thụ Thánh giá kiểu Đức giáo hoàng gia tăng nhanh tại Rôma: “Nhà sách này nổi tiếng không những vì tọa lạc trên đại lộ Hòa Giải – Via della Conciliazione – mà còn vì bán được rất nhiều Thánh giá kiểu Đức giáo hoàng” [1].
Linh mục Luciano Orsi, giám đốc nhà sách Ancora, nói: “Thánh giá này cùng một kiểu như Thánh giá Đức giáo hoàng đeo. Chúng tôi đã bán mẫu này trong nhiều năm qua kể từ năm 2004. Nhưng trước đây, chúng tôi chỉ có thể bán một hoặc hai chiếc mỗi năm, bởi vì mẫu này không được ưa chuộng. Nhưng trong ba tháng qua, chúng tôi đã bán được rất nhiều” [2].
2. Vài thắc mắc
Có nhiều người thắc mắc: Tại sao Thánh giá Đức giáo hoàng Phanxicô đeo không phải là tượng chịu nạn?
Nhưng tôi đặt lại vấn đề: Tại sao người ta cứ đòi ngài mang tượng chịu nạn mà không phải là tượng khác? Bởi vì, không có một quy định nào yêu cầu giáo hoàng phải mang tượng chịu nạn cả.
Thực ra, có một truyền thống bất dịch quy định các giám mục, trong đó có Giám mục Rôma, phải đeo thánh giá trước ngực.
Các vị giáo hoàng trước đây thường đeo Thánh giá bằng vàng, có hình Chúa Giêsu chịu nạn hay một hình nào đó. Và Thánh giá Đức Phanxicô ở trường hợp sau: đó là hình một mục tử vác chiên trên vai.
Chúng ta cũng có thể thấy một số giám mục đeo Thánh giá mà không có hình Chúa Giêsu chịu nạn. Bởi vì điều đó không bắt buộc.
Có một nơi khác bắt buộc phải có một Thánh giá Chúa chịu nạn đó là trong nhà thờ. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma năm 2000 quy định: Trên hoặc gần bàn thờ, kể cả ngoài thánh lễ, thường xuyên phải có một thánh giá, có tượng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ ràng, để nhắc tín hữu cuộc thương khó cứu độ của Chúa (xem các số 117, 120, 122, 308).
Phải chăng vì dựa vào quy chế này mà người ta cứ nghĩ rằng giáo hoàng phải luôn luôn đeo tượng Chúa Giêsu chịu nạn?
Tôi nghĩ vấn đề của chúng ta là tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng, chứ không phải phàn nàn về một hình ảnh mới lạ.
3. Ý nghĩa của biểu tượng
Đã có người giải thích rằng biểu tượng trên ngực Đức giáo hoàng, diễn tả Chúa Giêsu nằm ngủ trên Thánh giá, là một sự dung hòa giữa tượng Chúa chịu nạn và Thánh giá suông.
Về phần mình, tôi không nghĩ như thế. Nhưng tôi muốn tìm ý nghĩa biểu tượng này nơi Thánh kinh và thần học.
Thật vậy, hình ảnh người mục tử và đàn chiên có nguồn gốc từ Cựu Ước, tượng trưng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn con chiên lạc, để chỉ Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên Nhân Lành đi tìm người tội lỗi. Có một người kia đi tìm con chiên lạc; khi “tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5).
Tác giả Tin mừng Matthêu cũng thuật lại dụ ngôn này, và nói về Thiên Chúa như một người cha “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18,14). Như thế, Tin mừng Matthêu nhắm đến trách nhiệm của các vị lãnh đạo đối với những thành viên nhỏ bé, không có tiếng nói trong cộng đoàn.
Con chiên lạc được tìm lại là biểu tượng của ơn cứu độ (Mk 4,6-7; Gr 23,1-4; Ed 34,11-16). Và Thánh giá cũng là dấu chỉ của ơn cứu độ.
Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến niềm vui mừng của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi; và Người cũng mời gọi thính giả chia sẻ niềm vui đó (x. Lc 15,25-32). Nên việc Đức Phanxicô mang kiểu Thánh giá này nhằm biểu dương niềm vui ơn cứu độ.
Thật vậy, trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới, Đức giáo hoàng đã mời gọi Kitô hữu sống trong niềm vui: “Kitô hữu thì vui mừng, họ không bao giờ u sầu”. Và ngài thêm: “Nếu chúng ta thật sự ở trong tình yêu Đức Kitô và nếu chúng ta nhận ra Người yêu chúng ta biết bao, thì tâm hồn chúng ta sẽ “sáng lên” một niềm vui, tỏa lan đến mọi người xung quanh” (Bài giảng trong Thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida ngày 24-07-2013).
Về phương diện thần học, chúng ta có thể đọc được nơi bài giảng của Đức Bênêđictô XVI khi ngài nói về ý nghĩa dây Pallium. Dây Pallium mà Giám mục Rôma khoác lên vai, được đan kết bằng lông chiên thật.
Bênêđictô XVI cho rằng: “Lông chiên là biểu tượng cho chiên bị lạc lối, yếu ớt và đau bệnh. Người mục tử sẽ vác chiên ấy trên đôi vai mình để đưa đến nguồn suối sự sống”.
“Đối với giáo phụ ngày xưa, dụ ngôn con chiên lạc mà mục tử tìm thấy nơi sa mạc chính là hình ảnh mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội thánh. Mỗi một người trong chúng ta chính là những con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về”.
“Con Thiên Chúa sẽ không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong tình trạng thê thảm như thế. Ngài đã từ bỏ vinh quang thiên quốc và bước đi bằng chính đôi bàn chân trần để tìm kiếm những con chiên này và theo đuổi chúng đến tận cùng của con đường Thánh giá. Ngài mang chúng trên đôi vai mình và mang cả nhân loại; Ngài vác tất cả chúng ta trên vai – Ngài chính là Mục tử Nhân lành đã thí mạng vì đàn chiên” (Bài giảng Chúa nhật ngày 24/4/2005 tại Quảng trường thánh Phêrô).
Tôi thiết nghĩ đó là ý nghĩa của Thánh giá “kiểu Đức Phanxicô”, và có lẽ cũng là châm ngôn sống mà vị Giám mục Rôma đang theo đuổi.
Chú thích:
[1] http://www.youtube.com/
[2] http://
Lm John Phạm Quang Long