Chém gió là tuyên bố hão huyền, nói quá thổi phồng, không đúng thực tế hay đề ra những dự phóng không thể thực hiện được. Người khoác lác cũng có thể gọi là kẻ chém gió.
Ví dụ, trường hợp một đội bóng tầm thường thui, nhưng nhà bình luận khéo tưởng tượng, gán cho đội bóng hay cầu thủ những khả năng trên trời, thì đó cũng gọi là chém gió.
Còn đây là câu nói khá nổi tiếng của một người Việt khi ông sang thăm Cuba trong một ngày đẹp trời và nói đại ý: Có người ví von rằng VN và Cuba như là trời đất sinh ra ở hai đầu địa cầu. Chúng ta cùng canh giữ cho hoà bình thế giới. Cần nói rõ thêm rằng người chém gió là 'người ví von', chứ không phải là người kể lại câu nói này.
Tôi nhớ, vào những năm 70 của thế kỉ trước, trong các bài văn hồi còn học cấp hai cấp ba, tôi thường viết rằng: "Em nguyện sẽ cố gắng học hành và rèn luyện đạo đức, để mai sau góp phần xây dựng tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới." Đến bây giờ đọc lại, tôi cảm thấy minh từng là một kẻ chém gió.
Có bạn tự giới thiệu thuộc về 'hội chém gió xuyên quốc gia'. Có thể trong cuộc sống đầy khó khăn và giới hạn, nhưng họ có thể khoác lác một chút để quên thực tế bùn khổ?
Mặt khác, người Việt mình có thói quen dùng từ hoa mỹ, để tô vẻ cho sự việc hay vấn đề luôn luôn màu hồng, mà thực tế thì không phải như vậy. Đó cũng có thể gọi là hơi bị chém gió.
Nhìu khi, có những câu hay những bài mà người ta viết rõ ràng và dễ hiểu, nhưng bạn lại cố hiểu vượt quá ý của tác giả, thì bạn có thể được coi là 'cách đọc chém gió'.
Chém gió dù sao cũng có cái lợi của nó, đó là giúp người ta thư giản, làm vui cuộc đời. Nếu không có ai chém gió thì facebook có lẽ sẽ ít người đọc hơn.
Trên đây là câu trả lời cho bạn đọc theo cái nhìn cá nhân của tui thui, trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức của từ điển tiếng Việt. Ai có định nghĩa khác, xin vui lòng đưa ra cho mọi người xem.